Đánh giá Ngô Mạnh Lân

Ông đã có những trang khởi nghiệp thật sáng sủa, tràn đầy nhiệt huyết và thuyết phục. Nhìn những bức sơn dầu ông vẽ khi theo học ở Liên Xô hứa hẹn rất nhiều cho một cây bút tạo hình mạnh mẽ. Nhũng bức như: Bên bìa rừng(1957), Cảnh làng Tarutxa (1957), Nắng cuối hè (1959), Nhà thờ Sain Isaac(1959), Bà lão nông dân trong trang phục truyền thống Nga (1960)... đều rất ấn tượng. Nhưng 47 năm sau, đến bức Chiến sĩ Điện Biên (2000) dù vẫn vững vàng nhưng xem tranh thấy cảm xúc đã bị trôi dạt do ông quá cẩn trọng khi thể hiện. Đó là điều ông không hề mắc khi vẽ ở nước Nga. Năm tháng đã nhào nặn người nghệ sĩ với sức đè của những bước sóng siêu mạnh không nhìn thấy, nhưng đủ để biến dạng cả những cái định hình cả một thời tôi luyện. Cho nên khi giả định rằng khi về nước nếu ông tiếp tục với sơn với toan thì hôm nay sẽ có một Ngô Mạnh Lân khác, thì cũng chỉ là những suy nghĩ lãng mạn, mãi mãi là lãng mạn. Còn câu trả lời về kết quả của những năm tháng ông được đào luyện thì đã có, khi ông làm các phim như Dế mèn, Tết của mèo con, Thánh Gióng, Trê cóc... Đó là những phim thấm đẫm tinh thần phương Đông, đẹp cả về tạo hình và màu sắc, có thể xếp vào hàng kinh điển của thể loại phim hoạt hình của Việt Nam.
— Đỗ Đức [3]
Nếu như các tác phẩm ký họa đã khắc họa được cảm xúc trực diện, tươi nguyên, sống động cuộc sống một thời chiến tranh, một thời hòa bình, thực sự thức dậy những kỷ niệm sâu sắc và đẹp đẽ thì các tác phẩm sơn dầu, từ các nghiên cứu hình họa cho đến các tranh phong cảnh, sinh hoạt, chiến đấu nhuốm màu thời gian với nhiều chiều không gian, đã hàm chứa một phẩm chất nghệ thuật: hiện thực pha chất lãng mạn. Đó chính là phẩm chất nghệ thuật bền vững, chắp cánh cho các tác phẩm hoạt hình, tranh cổ động, tranh truyện, minh họa sách... dung dị mà gần gũi.
— Thái Sơn - Báo Công an nhân dân [4]
Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân là một nghệ thuật trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ một cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị cùng với tạo hình một cách thông tuệ, vững vàng.
— Trần Văn Cẩn [5]